Hòa giải và hòa hợp Hòa giải và hòa hợp dân tộc ở Việt Nam

Biểu ngữ tuyên truyền nhân quyền tại Việt Nam có nội dung "Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội"

Ý kiến cá nhân

Tại Việt Nam

Võ Văn Kiệt

Năm 2005, ông Võ Văn Kiệt, cố thủ tướng Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, phát biểu "Suy nghĩ của tôi chỉ đơn giản là làm sao để không còn những nhà lãnh đạo phải trưởng thành từ chiến tranh như chúng tôi nữa. Chiến tranh đã qua cách đây ba chục năm. Chúng tôi đã chuyển giao quyền lãnh đạo cho thế hệ kế tiếp. Nói như thế có nghĩa là tôi mong chiến tranh thật sự phải thuộc về quá khứ. Một quá khứ mà chúng ta mong muốn khép lại... Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc, cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu... Đối với Việt Nam, nhất là ở miền Nam, tôi thường biết và hiểu nhiều gia đình đều có hai bên hết. Chính trong thân tộc của tôi, các anh em tôi, các cháu ruột của tôi cũng có số bên này và số bên kia. Cái đó có hoàn cảnh của nó. Có những gia đình một người mẹ có con đi chiến đấu, chết ở bên này và đứa con khác thì đi chiến đấu chết ở phía bên kia... Chúng ta đang nắm quyền lãnh đạo đất nước, muốn để mọi người Việt cùng chung tay hàn gắn, chung tay tạo dựng thì chúng ta phải thực tâm khoan dung và hòa hợp."[33][34]. Ngày 30/4/2007, trả lời phỏng vấn BBC, ông phát biểu "Tổ quốc là của mình, dân tộc là của mình, quốc gia là của mình, Việt Nam là của mình, chứ không phải là của riêng của người cộng sản hay của bất cứ tôn giáo hay phe phái nào cả... Hơn 30 năm rồi, năm nay nữa là 32 năm, không có lý do gì giữa chúng ta với nhau không hòa giải được... Tôi đã đặt vấn đề này và cũng viết trong một số bài rằng có một cách nhìn méo mó từ phía một số người cộng sản rằng yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội là đúng, còn những người yêu nước khác mà không yêu chủ nghĩa xã hội thì không yêu nước đủ như mình... Có hàng trăm con đường yêu nước khác nhau. Tổ quốc Việt Nam không của riêng một đảng, một phe phái, tôn giáo nào... ". Ông cũng cho rằng đã tới lúc bỏ lại phía sau những chia rẽ mà theo ông phần nhiều do nước ngoài can thiệp gây ra. Theo ông "chính kiến khác nhau, ý kiến khác nhau là bình thường, và điều quan trọng là cần phải có đối thoại, nói chuyện với nhau một cách sòng phẳng... chính phủ không nên áp dụng biện pháp hành chính đi đầu với họ, trừ phi là con người hoặc sự việc đó có nguy hại đối với đất nước, nhưng không được quy chụp người ta".[35][36] Ông cũng cho rằng: "quốc gia nào khắc phục được những mâu thuẫn nội tại để cùng tìm thấy niềm tự hào chung, lợi ích chung thì có thể tạo ra sức mạnh nội lực và do đó càng có uy tín quốc tế. Kể cả những nước nhỏ, nếu có những yếu tố đó thì cũng vẫn tạo ra thế mạnh. Ngược lại, nơi nào mà dân tộc chia rẽ, đối địch với nhau, thì dù có tài nguyên quốc gia phong phú, có dân số đông đúc, vẫn không tạo ra sức mạnh, vị thế quốc tế, do đó cũng không thể vững vàng... Những kinh nghiệm quốc tế vừa qua càng chỉ rõ thêm rằng, nếu chỉ dùng đối đầu và bạo lực để giải quyết những thù hận thì chỉ đẻ ra thù hận. Nếu dùng cách cảm hóa để giải quyết thù hận thì có thể triệt tiêu được thù hận và tạo ra sức mạnh càng ngày càng dồi dào hơn. Nếu cứ còn chia rẽ do hận vì bại, kiêu vì thắng, thì có ích gì cho bản thân, cho đất nước, cho hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế? Nhìn ra thế giới, càng nghiệm thấy rằng tài nguyên lớn nhất cho mọi quốc gia chính là tài nguyên con người. Nếu quy tụ được sức người, thì nhiều nguồn lực khác cũng có thể được quy tụ. Con người mà không quy tụ, thì mọi nguồn lực khác cũng rơi rụng... Muốn thế, cần ngồi lại với nhau. Bằng thiện chí, bằng tấm lòng chân thật, hãy cùng nhau xem lại một cách sòng phẳng những chỗ hay, chỗ dở, chỗ nào đã khắc phục được rồi, chỗ nào còn phải hoàn thiện tiếp... "[37]

Trần Văn Chánh

Tạp chí Xưa & Nay, số 446, tháng 4/2014 đăng bài Trên con đường hòa giải dân tộc của tác giả Trần Văn Chánh có viết "Ngoài những lý do đương nhiên về chính trị, cũng như những đòi hỏi khách quan của lịch sử cùng nguyện vọng hòa bình của dân tộc...Nhưng muốn thật sự hòa giải, cần chú trọng hơn vào khía cạnh hòa giải hòa hợp dân tộc, và phải coi việc hàn gắn vết thương chiến tranh qua thái độ hòa giải hòa hợp dân tộc như một thứ trách nhiệm lịch sử tự nhiên phải làm chứ không có tính cách ban phát sự hòa giải cho phía thua cuộc. Nếu khiêm tốn nhìn thẳng vào sự thật, chắc ai cũng biết rằng dân tộc của chúng ta chỉ là nước nhỏ lạc hậu, lại bị chi phối bởi những thế lực, âm mưu chính trị của một số cường quốc khác, nên khi chiến thắng đừng tự hào quá đáng, cũng như không có gì xấu hổ khi thua cuộc để phải mặc cảm kéo dài, trong điều kiện cả hai bên thực chất đều đứng chung trong gọng kiềm khắc nghiệt của lịch sử mà nhiều việc mình không thể chủ động được một cách hoàn toàn...Cụ thể, từ nay trở đi, nên bớt những cuộc lễ nào mà có nhắc lại những kỷ niệm không vui của thời kỳ chiến tranh đau khổ đã rơi vào dĩ vãng quá xa, và loại trừ hết mọi sự phân biệt về lý lịch, thành phần, dưới mọi hình thức, một cách thực chất chứ không chỉ hời hợt bề ngoài. Đã có một số tín hiệu mới đáng mừng như vậy rồi. Con đường hòa giải hòa hợp dân tộc khá gập ghềnh vì nhiều lý do ngoắt ngoéo tế nhị của lịch sử gần đây đã có thêm những bước tiến cụ thể rất đáng ghi nhận.".[38][39]

Nguyễn Khắc Huỳnh

Ngày 30/04/2014, ông Nguyễn Khắc Huỳnh, nguyên thành viên đoàn đàm phán Hiệp định Paris trả lời phỏng vấn báo Thanh Niên Online về vấn đề hòa giải hòa hợp dân tộc sau năm 1975. Nói về nguồn gốc của khái niệm "Hòa hợp và hòa giải dân tộc", Đại sứ Huỳnh nói:

"Lúc đầu đàm phán Paris, tư tưởng của ta là giành thắng lợi, buộc Mỹ rút, lập chính phủ liên hiệp và sau đó chính phủ sẽ đoàn kết toàn dân. Điều này có nghĩa là toàn dân Việt Nam dù phe này phe kia, tập hợp ba lực lượng: lực lượng cách mạng, lực lượng đối địch, lực lượng thứ ba cũng sẽ đoàn kết lại dưới sự lãnh đạo của chính phủ liên hiệp. Lúc đó chưa có khái niệm hòa hợp dân tộc. Nhưng trong quá trình đàm phán và chiến đấu ta thấy đánh Mỹ khó, đánh thắng Mỹ lại càng khó. Ta đánh lâu dài thì Mỹ cũng có khả năng đánh lâu dài. Lúc đầu mình tính chính phủ liên hiệp nhưng sau sự kiện Mậu Thân 1968 và sau đó năm 1972, ta không có những thắng lợi quyết định. Vậy phải tính thế nào? Năm 1972 ta mới đề ra đường lối tìm cách mở đường cho Mỹ rút. Ta mới đưa ra khẩu hiệu là "Mỹ rút, Sài Gòn còn, miền Nam giữ nguyên trạng". Để liên kết các lực lượng miền Nam thì đặt ra vấn đề hòa hợp dân tộc. Vấn đề ấy được đặt ra trong lúc ta tính tới phương án giữ nguyên trạng miền Nam. Vì vậy ta đưa vào dự thảo Hiệp định và bàn kỹ vấn đề hòa hợp dân tộc. Lúc đầu ta gọi là chính phủ liên hiệp ba thành phần. Chính phủ Mỹ không chấp nhận được vì chính phủ mới có nghĩa là thủ tiêu Sài Gòn. Ta mới hạ thấp xuống là "một chính quyền hòa hợp dân tộc", gần gần với lập trường của Mỹ. Mỹ đề xuất một "body" - một tổ chức để tổng tuyển cử. Mỹ dùng chữ "body" thì mình cũng dịu bớt đi, đề xuất là trong lúc chính quyền hai bên tồn tại, thực hiện hòa hợp, hòa giải dân tộc để tiến tới tổ chức tổng tuyển cử thành lập chính quyền (đưa thêm khái niệm hòa giải, vì là hai kẻ địch.) Nhưng Mỹ không chấp nhận chữ "chính quyền". Chữ "chính quyền" có gì đó mang ý nghĩa thủ tiêu Sài Gòn. Mỹ nhận rút và quân miền Nam ở lại là đạt yêu cầu cao nhất rồi, ta mới chấp nhận thành lập một hội đồng quốc gia hòa giải, hòa hợp dân tộc. Hiệp định có điều khoản thành lập một hội đồng quốc gia hòa giải hòa hợp dân tộc để tổ chức tổng tuyển cử và đôn đốc thi hành Hiệp định. Lúc đó hình thành khái niệm hòa giải hòa hợp dân tộc.

Đấy là quá trình đàm phán đi đến hòa giải hòa hợp dân tộc. Ta thấy không có con đường nào khác cả. Bởi vì chúng ta thắng thế nào thì Sài Gòn cũng vẫn sẽ còn. Dù lập chính phủ hai thành phần, ba thành phần hay giữ nguyên trạng thì cũng vẫn phải có hòa giải, hòa hợp. Không có cách nào khác.''

Đối với quá trình hòa hợp và hòa giải dân tộc từ 1973 - 1975, Đại sứ Huỳnh nói:

"Ta (Chính phủ Cách mạng lâm thời) đã chân thành đấu tranh thi hành Hiệp định Paris 1973, thực hiện hòa giải, hòa hợp dân tộc. Ta đã làm việc rất tích cực với các lực lượng thứ ba. Nhưng kết quả rất hạn chế. Ngay đêm Hiệp định có hiệu lực (27.1.1973), chính quyền Thiệu đã cho chiếm Cửa Việt, sau đó ta phản kích lấy lại. Có thể nói là không có lấy một ngày hòa bình. Đã không có hòa bình thì không có điều kiện cho hòa hợp."

Về quá trình hòa hợp, hòa giải dân tộc sau 30/4/1975, Đại sứ Huỳnh cho rằng:

Phải nói là ta đã có thực hiện được một số việc chứ không phải không làm được gì. Nhưng trong phạm vi hẹp. Đối với những người thuộc lực lượng thứ ba ta đều giữ lại dùng cả. Một số giáo sư tiếp tục ở lại giảng dạy, những nhân vật cao cấp thuộc chính quyền cũ đầu hàng ở dinh Độc Lập ta đều tôn trọng, không bắt bớ gì mà để họ được tự do. Một số người thuộc chính quyền cũ cũng được đối xử tương đối nhẹ nhàng. Nhưng sau khi ta thắng lợi giải phóng miền Nam thì vấn đề hòa hợp trở thành vấn đề lớn. Thậm chí là cực kỳ lớn. Nhưng khi ta thắng lợi rồi thì chính sách hòa hợp dân tộc thực hiện được bộ phận thôi chứ chưa được rộng rãi và có kết quả. Phải thẳng thắn nhìn nhận là nhiều chính sách của ta sau giải phóng khá nặng nề với sĩ quan, binh lính chế độ cũ cũng như gia đình họ. Rồi chuyện báo chí Sài Gòn bị đóng cửa hầu hết, tất cả hoạt động kinh doanh của miền Nam bị hạn chế... Sau đó là hợp tác hóa, cải tạo xã hội chủ nghĩa.

Về nguyên nhân quá trình hòa hợp và hòa giải dân tộc những năm đầu sau 30/41975 còn đạt hiệu quả chưa cao, Đại sứ Huỳnh cho rằng:

Nguyên nhân thứ nhất là thắng lợi lớn quá. Đến mức ngợp. Không kịp suy nghĩ gì cả. Đến cái mức mà có lãnh đạo cấp cao của ta nói là bây giờ đã hết kẻ thù, vĩnh viễn sẽ không có chiến tranh nữa. Nguyên nhân thứ hai, lúc ấy tư tưởng giáo điều ý thức hệ rất nặng nề, thể hiện ở chuyện "thành phần". Phân biệt kẻ thắng người thua rất nặng nề. Tư tưởng địch-ta nặng nề. Rồi tư tưởng XHCN đối lập với tư bản. Nhiều cái giáo điều ý thức hệ như vậy nên chuyện hòa hợp là không thể. Nguyên nhân thứ ba là trình độ nghiên cứu của ta rất thấp. Không nghiên cứu được là sau khi giải phóng miền Nam cái gì sửa cái gì giữ, đối xử với các tầng lớp thế nào..."

Về quá trình hòa hợp dân tộc trong giai đoạn hiện nay, Đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh cho rằng:

Theo tôi có lẽ đặt ra trước hết với người Việt ở nước ngoài. Thứ hai là đối với các tầng lớp nhân dân trong nước. Tôi chỉ xin chia sẻ một vài suy nghĩ của tôi có thể đúng, có thể chưa đúng nhưng để chúng ta suy nghĩ. Đối với người Việt ở ngoài nước hiện có 3 - 4 cộng đồng có quan niệm khác nhau. Nhóm thứ nhất là cộng đồng những người Việt mà ta gọi là "người Việt yêu nước". Theo tôi cái chữ ấy nên bỏ đi, không ai lại phân biệt bằng khái niệm "yêu nước" với "không yêu nước". Lấy gì để xác định yêu nước? Nên nhìn họ như những Việt kiều có quan niệm thuận với trong nước. Nhóm thứ hai sống bình thường, họ không ủng hộ mà không gây sự, chỉ lo tập trung làm ăn. Tôi cho rằng đây là nhóm đa số, bây giờ mời họ về giúp nước là khó đấy. Đây là nhóm mà Nhà nước cần có chính sách tranh thủ. Thứ ba là lực lượng đối lập, có phê phán những chính sách, có đóng góp ý kiến, phê phán. Nhóm cuối cùng là những người đối nghịch hoặc báo chí ta gọi nặng nề là chống cộng. Họ là những người công khai không tán thành chủ nghĩa cộng sản, nhóm này theo tôi biết bên Mỹ có nhiều.

Thế bây giờ đặt vấn đề thế nào? Đối với những người đã ủng hộ đã sống hòa hợp, thích hợp rồi thì ta tiếp tục tranh thủ, tạo điều kiện để họ đi về đóng góp thăm viếng đất nước. Những người chờ đợi và chưa có thái độ rõ ràng là lớp người còn xa ta nhưng mà không chống đối, chính là cần thực hiện hòa hợp dân tộc với những người đó. Thực hiện hòa hợp dân tộc ở đây không phải bằng lập trường giai cấp, bằng chủ nghĩa cộng sản đâu, mà bằng TƯ TƯỞNG DÂN TỘC, TƯ TƯỞNG YÊU NƯỚC, ĐẶT LỢI ÍCH DÂN TỘC LÊN TRÊN HẾT.

Tôi cho rằng đối với Việt kiều càng đưa vấn đề ý thức hệ ra thì càng không có tác dụng. Tôi đối xử với anh bằng tinh thần dân tộc, bằng tinh thần yêu nước chứ không phải bằng ý thức hệ thì lúc đó mới nói chuyện được với nhau, nếu không thì còn nhiều khó khăn. Đối xử bằng lòng yêu nước bằng tinh thần dân tộc. Lấy lợi ích dân tộc đặt lên trên hết. Bất cứ thời đại hoàn cảnh nào thì lợi ích dân tộc vẫn là cao hơn cả, có sức mạnh hơn cả. Còn đối với trong nước, vấn đề không phải là hòa hợp mà là làm sao tranh thủ sự đồng thuận, lấy lợi ích dân tộc để tranh thủ đồng thuận là đường lối chiến lược. Bây giờ tầng lớp nào trở nên quan trọng và cần tranh thủ đồng thuận? Ngoài nông dân, công nhân thì đặc biệt cần tranh thủ đội ngũ trí thức và doanh nhân. Đồng thuận chính là đồng thuận với hai tầng lớp này.[40]

Báo Nhân dân

Báo Nhân dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 20/05/2014 có đăng bài Nghĩ về hòa hợp dân tộc của Thiên Phương, trong đó có nêu "Ở Việt Nam, hơn 60 năm qua, chúng ta thực hiện hòa hợp dân tộc vì đó là một yếu tố bảo đảm cho hiện tại và tương lai đất nước, huy động được mọi nguồn lực để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì một nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", và góp phần kiến tạo, bảo vệ sự ổn định, hòa bình, thịnh vượng trên thế giới. Để hòa hợp dân tộc, ngay từ những ngày cách mạng còn trong trứng nước, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã xác định quan điểm, triển khai các chủ trương, hành động thiện chí để mọi cá nhân, nhóm xã hội vốn từng hiểu lầm hoặc khác biệt chính kiến vẫn có thể cùng hướng tới mục tiêu chung có lợi cho đất nước. Do đó, bất kỳ cá nhân, nhóm xã hội nào nếu thật sự có niềm tin vào mục tiêu chung thì khi hòa hợp sẽ không đưa ra điều kiện ràng buộc, không đòi hỏi bên kia phải thay đổi theo ý muốn của mình... Không có người nào trong bộ máy nhà nước lại "bảo thủ, giáo điều làm kìm hãm sự vận hành của bộ máy nhà nước, sự hòa hợp hòa giải dân tộc, không đem lại lợi ích cho dân tộc" như ai đó đã phát biểu. Mặc dù ra đi vì các lý do khác nhau nhưng người Việt Nam ở nước ngoài vẫn được tạo điều kiện trở về quê cha đất tổ, thăm nom, giúp đỡ người thân, đóng góp với đồng bào trong nước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hàng triệu lượt người Việt Nam ở nước ngoài hằng năm vẫn về thăm quê hương là biểu thị rất cụ thể cho tinh thần hòa hợp mà chúng ta hướng tới. Tuy nhiên vẫn có một số người gốc Việt còn nuôi mối hận thù với Nhà nước Việt Nam. Họ xuyên tạc tinh thần hòa hợp, cản trở người lương thiện trở về quê hương, nhẫn tâm chống phá, xâm hại đất nước đã sinh ra họ. Tức là họ tiếp tục nối dài các lỗi lầm. Với những con người đó, không đất nước nào ruồng bỏ họ, mà chính họ tự loại mình khỏi dân tộc, tự đứng vào thế đối lập với dân tộc. Đó là điều không thể chấp nhận, vì chúng ta chỉ có thể hòa hợp với người thiện chí, chứ không thể hòa hợp với người lấy đối đầu và mặc cả làm điều kiện hòa hợp."[41]

Theo báo Nhân dân việc thực hiện hòa hợp hòa giải thông qua chuyển đổi thể chế chính trị sang đa nguyên, đa đảng sẽ khiến quá trình này không những không hiệu quả, thậm chí là phản tác dụng khi không có cơ quan thống nhất ý kiến của các bên tham gia, thậm chí việc đa đảng sẽ tạo cơ hội để các thế lực không có thiện cảm với nhân dân Việt Nam lợi dụng sự mâu thuẫn của các đảng trong hòa hợp, hòa giải dân tộc để gây mất độc lập, chủ quyền của Việt Nam, từ đó làm phương hại đến lợi ích của nhân dân Việt Nam.[42] Theo Tạp chí Cộng sản, thể chế nhất nguyên một đảng lãnh đạo ở Việt Nam hoàn toàn không đồng nghĩa với việc mất dân chủ, triệt tiêu dân chủ thậm chí còn vừa phát huy dân chủ, vừa bảo vệ được quyền lợi chính đáng của nhóm nhỏ. Từ đó, quá trình hòa hợp, hòa giải dân tộc không cần sử dụng và không nên sử dụng phương thức đa nguyên, đa đảng.[43] Thực chất luận điểm "đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập" là luận điểm mang nặng tính chất mị dân, rất dễ gây nên sự ngộ nhận, nhất là đối với những người có nhận thức hạn chế và quá trình này không những không làm Việt Nam mạnh lên mà còn khiến Việt Nam yếu đi do thực tế trên thế giới đã chứng minh, đa nguyên đa đảng sẽ tạo nhiều cơ hội để nước ngoài can thiệp vào công việc nội bộ hơn là duy trì chế độ một đảng lãnh đạo theo nguyên tắc tập trung dân chủ.[44] Theo báo Quân đội Nhân dân-cơ quan ngôn luận của Quân đội nhân dân Việt Nam-đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập không bảo đảm được dân chủ đích thực. Bản chất của dân chủ là quyền lực thuộc về nhân dân. Muốn thực hiện được nó thì trước tiên người lao động phải xây dựng nên một chính đảng cùng một chính phủ duy nhất đại diện cho quyền lực của mình. Với một chế độ xã hội, thì hoặc quyền lực thuộc về giai cấp bóc lột hoặc thuộc về giai cấp bị bóc lột mà thôi. Không có thứ quyền lực hay dân chủ cho mọi giai cấp. Bản chất của đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập trong xã hội tư bản chỉ nhằm một mục tiêu duy nhất là bảo đảm quyền lực cho giai cấp tư sản bóc lột.[45]

Nguyễn Minh Triết

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, ngày 27/4/2015, khi trả lời phỏng vấn của báo điện tử VietNamNet về hòa giải và hòa hợp dân tộc đã nêu quan điểm

Tôi hiểu có những mức độ chấp nhận khác nhau về chuyện hòa giải. Có những nghịch lý tồn tại nhưng bước qua lằn ranh đâu đơn giản. Có những người chứng kiến sự hy sinh của dân tộc quá lớn, họ cứng như thép, không dễ xoay chuyển được. Có người cho rằng, thôi đã 30-40 năm qua rồi, hãy hòa hợp, hòa giải nhanh đi... Nếu nhìn vào những mất mát, hy sinh to lớn, xét về nguyên tắc là không thể nhân nhượng, bỏ qua được. Nhưng xét về tình dân tộc, nghĩa đồng bào, đã 40 năm rồi, thì trong quan hệ có thể cởi mở, mềm dẻo, đối xử nhẹ nhàng. Như nghĩa trang Bình An được dân sự hóa có thể coi là một bước chuyển trong chuyện hòa hợp, hòa giải dân tộc. Giờ thân nhân của họ có thể về viếng mộ, thắp nhang nhưng cũng nhiều năm mình mới làm được. Chúng ta đã làm rất nhiều, cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết 36 đề ra. Nhưng trên hết tôi vẫn trăn trở, mong muốn có một cuộc gặp mặt rộng lớn nào đó với những tuyên bố mang tinh thần đại xá, tất cả chuyện cũ hãy cho nó qua đi, lật qua một trang mới. Cái đó tôi muốn gọi là một điểm đột phá. Hay như những người tham gia trận chiến ở Hoàng Sa năm nào, nếu tính về bảo vệ tấc đất, biển đảo của Tổ quốc thì có tính ghi công, vinh danh không? Theo tôi, cái gì làm được, có ích thì nên làm. Nếu lấy ý kiến của dân chắc được nhiều người đồng tình ?"[46]
Nguyễn Thị Bình

Theo Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình:

"Với Mỹ, chúng ta sẵn sàng "gác" quá khứ, để hợp tác, nhìn về tương lai, thì không lý do gì, người cùng một dân tộc, cùng một tổ quốc, mà không thể hòa hợp, đoàn kết với nhau để xây dựng tương lai cho đất nước mình...Về vấn đề hòa giải hòa hợp dân tộc: thực tế là từ đầu, Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam đã giương cao ngọn cờ đoàn kết dân tộc nhằm tập hợp mọi người Việt Nam không phân biệt giai cấp, tôn giáo, dân tộc, cùng nhau chống xâm lược, bảo vệ độc lập và thực hiện thống nhất nước nhà...Cuộc chiến đấu càng thắng lợi, kẻ thù càng suy yếu, cô lập là cơ hội cho nhiều lực lượng chính trị ở miền Nam chống Mỹ, không tán thành chính quyền Thiệu... được hình thành. Có thể xem đây là quá trình phân hóa, hòa hợp...Chúng ta (nhân dân Việt Nam) giành thắng lợi hoàn toàn ngày 30/4 với kết quả một thành phố Sài Gòn nguyên vẹn và sau giải phóng Miền Nam, không hề có "tắm máu" chính là nhờ chính sách hòa hợp dân tộc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Hòa giải, hòa hợp dân tộc xuất phát từ truyền thống khoan dung, nghĩa tình của dân tộc ta từ xưa...Nhiều người từng ra đi, đã trở về. Dĩ nhiên cũng còn nhiều người vẫn chưa hiểu rõ chính sách của Nhà nước, hoặc còn mặc cảm... hoặc có một số, tôi tin không nhiều, vẫn giữ một thái độ thù địch đối với chế độ, đối với đất nước...Nếu nghĩ rằng những người "chiến thắng" phải chủ động ra tay trước, thì thực tế Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã chìa tay ra, tạo điều kiện để người Việt Nam khắp nơi có thể trở về, xây dựng quê hương.Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta cũng có mục tiêu chung đấy thôi... Chúng ta đã giành được độc lập nhưng đất nước còn nghèo, còn thua kém nhiều nước xung quanh. Về mặt dân tộc, họ không có gì nổi trội hơn dân tộc Việt Nam cả nhưng họ lại hơn chúng ta về trình độ phát triển kinh tế - xã hội. Bởi vậy, phải làm thế nào để xây dựng và phát triển một nước Việt Nam phồn vinh và vững mạnh, một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Trước mắt là tiến hành công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Đó là mục tiêu mà với mọi người Việt Nam yêu nước ai cũng thấy day dứt...Vì vậy, trong cuộc chiến đấu mới của nhân dân ta để phát triển đất nước, cần sự đóng góp tích cực của mọi người Việt Nam, trong nước và ngoài nước, không phân biệt quan điểm, chính kiến. Tôi nghĩ cần làm cho tất cả người Việt Nam hiểu được điều đó: mọi người đều có nghĩa vụ, và mọi người đều có quyền lợi trong Tổ quốc của mình. Đồng thời Đảng và Nhà nước cần có thêm chính sách, để tạo thêm điều kiện cần thiết, đặc biệt có những chương trình hoạt động cụ thể để thu hút sự tham gia của bà con Việt kiều trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, trong kinh doanh...Trong cuộc chiến đấu mới của nhân dân ta để phát triển đất nước, cần sự đóng góp tích cực của mọi người Việt Nam, trong nước và ngoài nước, không phân biệt quan điểm, chính kiến.[47]"
Vũ Minh Giang

Theo Tiến sỹ Vũ Minh Giang, sự khốc liệt của chiến tranh đã hủy hoại không chỉ thể xác mà còn đối với tinh thần của dân tộc Việt. Nó chia rẽ giữa những người Việt Nam với nhau, giữa bên "thắng cuộc" và bên "thua cuộc". Phía nào cũng có cái lý của mình. Phía "bên này" thì cho rằng mình là chính nghĩa, đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giải phóng đất nước. Phía "bên kia" cũng nói rằng mình là chính nghĩa. Ông cho rằng đã đến lúc người Việt không nói về câu chuyện thắng- thua nữa. Cứ loay hoay chuyện bên này thắng, bên kia thua sẽ không có lời giải. Đã đến lúc người Việt Nam phải vượt qua chuyện thắng- thua, vươn tới một cái cao hơn. Đất nước Việt Nam đang rất cần một khối đoàn kết toàn dân để đối mặt với những thử thách mới, để giải quyết những bài toán mới trong quá trình xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đấy mới chính là cái mà người Việt cần hướng tới.[48]

Nguyễn Thiện Nhân

Nói về công tác hòa giải và hòa hợp dân tộc ở Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Nguyễn Thiện Nhân cho rằng:

Việc chia thành 2 phe trong một đất nước trong thời chiến là điều không ai mong muốn, nhưng đó là thực tế lịch sử. Từ năm 1946, khi chúng ta giành chính quyền sau cách mạng tháng Tám có những người đứng ở bên phía Pháp, nhưng Hồ Chủ tịch đã nói: "Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi, 5 ngón tay cũng có ngón ngắn ngón dài, nhưng ngắn dài đều hợp ở nơi bàn tay, trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác. Nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng, đại độ, ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường ta phải lấy tinh thân ái mà cảm hóa họ, có như thế mới thành đoàn kết. Có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn vẻ vang". Tôi nghĩ rằng cách nhìn của Bác, lời dạy của Bác từ đó đến nay đã thấm trong lãnh đạo Việt Nam qua các thời kỳ cũng như nhân dân trong cả nước. Cho dù có lúc đứng đối diện với nhau, cho dù có những khi đã chĩa súng vào nhau, dù mỗi bên đều đã mất mát người thân của mình nhưng nhớ lại lời dạy của Bác thì chúng ta đều một gốc cả, đều là con cháu vua Hùng, đều có lòng yêu nước. Bác Hồ nói rất hay "ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc", đó chính là điểm tựa của chúng ta để cùng hướng về quê hương.[49]
Nguyễn Thanh Sơn

Khi nói về những trở ngại trong việc tiến hành công tác hòa giải và hợp dân tộc ở nước ngoài, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn nói:

Ngay việc tôi gặp những nhóm người chống đối ở hải ngoại cũng đã là dấn thân, là mạo hiểm rồi. Bởi vì họ là những thành phần kích động, có thể xông lên hành hung mình hoặc làm bất cứ chuyện gì...Điều khiến tôi buồn nhất là tôi gặp trở ngại từ một số cựu chiến binh, một số vị lão thành cách mạng và cả các cán bộ ở địa phương khi thấy tôi tổ chức chuyến hải trình ra Trường Sa lần thứ ba với việc tổ chức cầu siêu cho những người nằm xuống ở cả hai phía để bảo vệ biển, đảo. Tôi cũng rất buồn là có những người trong và cả ngoài nước rất không hài lòng, lo lắng khi thấy chúng tôi càng ngày đưa càng nhiều người có tư tưởng cực đoan về nước. Ngay trong bộ máy nhà nước cũng có một số người bảo thủ, giáo điều làm kìm hãm sự vận hành của bộ máy nhà nước, sự hòa hợp hòa giải dân tộc, không đem lại lợi ích cho dân tộc. Cũng may là số người này không nhiều...Tư tưởng hận thù chỉ đem lại sự chia rẽ nhân dân, yếu kém cho đất nước. Chỉ có dũng cảm, chân thành, mong muốn đại đoàn kết dân tộc mới có đại đoàn kết dân tộc. 4,5 triệu người Việt ở hải ngoại chưa về với chúng ta thì cả hai phía còn sẽ có những đêm mất ngủ, trăn trở.[50]

Cũng theo Thứ trưởng Sơn, trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài còn tồn tại một số người mà lòng hận thù dân tộc với chính quyền và nhân dân trong nước "đã ăn vào máu" khiến công tác hòa hợp, hòa giải dân tộc gặp rất nhiều khó khăn.[51]

Nguyễn Phú Trọng

Phát biểu tại Đại hội VIII của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói:

Xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc; làm sao để Mặt trận các cấp thực sự là trung tâm đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng xã hội, là nơi mọi người có thể nói lên tiếng nói, nguyện vọng của mình, đóng góp trí tuệ, công sức cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc[52]
Trương Tấn Sang

Tại chương trình nghệ thuật "Xuân quê hương 2015 – Tổ quốc vinh quang" năm 2015, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang kêu gọi:

Đất nước ta đã không ngừng mở rộng, thúc đẩy quan hệ hợp tác, hữu nghị, tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi với hầu hết các nước trên thế giới, kể cả những nước trước đây từng là cựu thù của chúng ta. Vì vậy, không có lý do gì để còn bất kỳ ai trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài còn định kiến, mặc cảm về quá khứ mà cản trở sự củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam[53]
Nguyễn Xuân Phúc

Trong bài diễn văn có tựa đề "Kiều bào chung sức xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có nói:

Đất nước luôn chào đón những người con của dân tộc trở về, đem theo tấm lòng, hoài bão, ý tưởng, nguồn lực, để đóng góp vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Chính phủ sẽ luôn hỗ trợ và mong bà con kiều bào ta thành đạt ở nước sở tại, phát huy truyền thống dân tộc, cùng nhau xây dựng cộng đồng đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau; gìn giữ tiếng nói, chữ viết, cốt cách cao đẹp của con dân đất Việt và phát huy hình ảnh con người Việt Nam thân thiện, yêu chuộng hòa bình, ứng xử văn minh, đóng góp vào tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước, đồng thời hướng về quê hương Tổ quốc bằng những hành động thiết thực, phù hợp. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, trong đó có các thành phố lớn, cần chú trọng tạo dựng các kênh, diễn đàn đối thoại khả thi, thực chất để kiều bào phản ánh, đề xuất, khuyến nghị và địa phương có tiếp thu, có phản hồi; khuyến khích, tạo điều kiện cho trí thức trẻ Việt Nam ở nước ngoài đóng góp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...[54]

Ngày 07/02/2018, trong khi gặp các kiều bào về thăm Tổ quốc nhân dịp xuân Mậu Tuất (2018), Thủ tướng Phúc nhấn mạnh:

Tổ quốc luôn lắng nghe hơi thở của bà con, những ý kiến đóng góp của bà con dành cho đất nước và Chính phủ luôn do dân, vì dân, trong đó Việt kiều cũng là những người dân của đất nước Việt Nam[55]
Trần Đại Quang

Khi đón các kiều bào về tham dự chương trình Xuân quê hương 2018, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã nói:

Đối với đất nước và dân tộc Việt Nam, kiều bào ta ở nước ngoài là một phần máu thịt không thể tách rời. Tổ quốc luôn chào đón những người con thân yêu trở về đất Mẹ. Đảng, Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và có nhiều chủ trương, chính sách về người Việt Nam ở nước ngoài; chủ trương xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc để mỗi người Việt Nam ở trong nước cũng như ở nước ngoài chung sức, đồng lòng cùng hướng về đất nước. Các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài đã có nhiều cố gắng, kịp thời có các biện pháp hữu hiệu bảo hộ công dân, bảo vệ quyền lợi, tính mạng, tài sản của kiều bào, hỗ trợ cộng đồng trong các hoạt động giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc Việt Nam, nhất là trong việc dạy và học tiếng Việt. Dù ở bất cứ nơi đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, người Việt Nam cũng luôn giữ trong mình dòng máu con Lạc, cháu Hồng; giữ gìn tiếng Việt cũng là truyền cho con cháu sợi dây liên lạc với cội nguồn dân tộc[56]

Từ bên ngoài

Nguyễn Hồng Hải

Trong bài viết mang tên "Kêu gọi hòa giải dân tộc như thế nào?" gửi đăng trên trang mạng của BBC tiếng Việt-một cơ quan truyền thông bị cáo buộc thường đăng tin không đúng sự thật về tình hình thực tế tại Việt Nam-vào ngày 27/02/2014, Nguyễn Hồng Hải, một người làm việc trong ngành tài tại Canada chính cho rằng tại thời điểm của bài viết được đăng, người Việt vẫn chưa thể thực hiện được việc hòa hợp và hòa giải dân tộc trong khi các dân tộc đã thực hiện điều này thành công sau khi đất nước có nội chiến và chia rẽ. Theo ông Hải, việc hòa hợp hòa giải là hết sức cần thiết. Sự khác biệt về quan điểm chính trị rất dễ gây ra xung đột và bất ổn nếu một dân tộc không biết cách đưa ra nhưng nguyên tắc, phương thức hòa bình để giải quyết các khác biệt đó. Hiện nay, cùng với thời gian nhận thức của người dân Việt Nam đã có nhiều thay đổi tuy nhiên cũng vẫn còn những yếu tố có thể gây nên những bất ổn. Tác giả cho rằng cần cùng tập trung vào giải quyết những vấn đề chung của đất nước, những mối lo đến từ bên ngoài về vấn đề chủ quyền, lãnh thổ vẫn đang hiện hữu. Do vậy, rất cần có sự nỗ lực đoàn kết của người Việt trong việc cùng hướng tới xây dựng một quốc gia giàu mạnh, tốc độ phát triển nhanh cũng như đối phó với những thách thức từ các quốc gia láng giềng. Thực hiện việc hòa hợp và hòa giải phải xuất phát từ thay đổi cách nhìn nhận về đối phương của cả từ hai phía.

Theo tác giả, những người Việt không có thiện cảm với chế độ chính trị trong nước thường cho rằng những người Cộng sản không bao giờ thay đổi nhưng thực tế lại chứng minh điều ngược lại khi Việt Nam dưới chế độ Cộng sản đã cởi mở và dân chủ hơn, tăng trưởng kinh tế và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Hiện nay, chỉ có một điều mà chế độ trong nước cho rằng không cần thiết phải thay đổi là việc tiến hành đa đảng, đa nguyên về chính trị, bớt cứng nhắc hơn khi ứng xử với sự khác biệt về quan điểm chính trị để giảm các hoạt động đấu tranh, đối kháng. Tuy nhiên, nhưng thay đổi về việc cải cách thể chế, xây dựng nhà nước pháp quyền và mở rộng dân chủ cũng cần đáng ghi nhận.

Tác giả cũng cho rằng, quan điểm cho rằng tất cả những người Cộng sản đều xấu, cần lên án và loại bỏ từ những người không có thiện cảm với chế độ chính trị trong nước là không khách quan và không đúng sự thật do không phải riêng người Cộng sản, trong bất cử đảng phái nào cũng đều có những nhóm người có quan điểm khác nhau, thậm chí đấu tranh với nhau. Trên thực tế, những cải cách từ trước đến này đều do những người Cộng sản lên kế hoạch và thực hiện. Việc giữ quan điểm không đúng đắn này có thể khiến những người Cộng sản lo sợ là đối tượng bị trả thù nếu Việt Nam có sự thay đổi về thể chế chính trị.[57]

Theo ông Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam: "Việt Nam chúng tôi không có nhu cầu đa nguyên đa đảng, và dứt khoát không đa nguyên đa đảng. Điều đơn giản là Việt Nam đã có lúc đa đảng; tức là năm, 1946 khi chúng tôi Tổng tuyển cử lần đầu tiên thì cũng đã có mấy đảng tham gia. Nhưng khi thực dân Pháp quay lại xâm lược đất nước chúng tôi thì chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân Việt Nam kháng chiến để bảo vệ tổ quốc. Và bây giờ thì Đảng Cộng sản Việt Nam đang tiếp tục lãnh đạo nhân dân Việt Nam giành thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc".[58]

Hiện tại, ở Việt Nam có Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với chức năng Hiến định là "đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp nhân dân". Đây là một tổ chức liên minh chính trị, có vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc làm nền tảng cho sự phát triển của đất nước. Do đó, đây cũng là một trong những tổ chức quan trọng phụ trách công tác hòa hợp, hòa giải dân tộc ở Việt Nam.[59]

Thiện Ý

Trong bài viết Vấn đề hòa giải và hòa hợp dân tộc tại Việt Nam đăng tại website tiếng Việt của Đài tiếng nói Hoa Kỳ-một cơ quan truyền thông không có thiện cảm với Việt Nam-ngày 08/05/2014, tác giả Thiện Ý trước năm 1975 hành nghề luật sư tại miền Nam, hiện đang sống tại Hoa Kỳ cho rằng vấn đề hòa giải và hợp dân tộc đã được nêu ra từ lâu, nhưng cho đến nay vẫn chưa thành tựu ở Việt Nam, dù đó là ước muốn chung của bất cứ người Việt Nam yêu nước nào. Theo tác giả, các nhà lãnh đạo hai phe người Việt quốc gia và Việt Nam vẫn chưa thống nhất được phương cách hòa giải để đi đến hòa hợp dân tộc khiến cho quá trình hòa giải và hòa hợp dân tộc gặp nhiều khó khăn. Việt Nam vẫn chỉ đơn phương kêu gọi người Việt quốc gia hãy quên quá khứ, quên hận thù, đừng chống cộng nữa, mà hãy hợp tác toàn diện, vô điều kiện với đảng và nhà cầm quyền... để xây dựng phát triển đất nước. Trong khi phía người Việt quốc gia thì muốn hai bên phải bằng cách nào đó, cùng ngồi lại với nhau để hóa giải mâu thuẫn căn bản về lãnh đạo dân tộc theo con đường dân chủ pháp trị, đa nguyên đa đảng... Ông cũng đề xuất các lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam và các đảng phái người Việt ở nước ngoài nên thực hiện tiến trình hòa giải qua "Ba bước đến nền dân chủ nhất nguyên dân tộc" bao gồm "''Bước một: Triệu tập "Hội nghị Hóa Giải Mâu Thuẫn Về Lãnh đạo Dân tộc". Bước Hai: Triệu tập "Hội nghị Thống Nhất Toàn Lực Quốc gia". Bước Ba: Hình thành "Chế Độ Dân Chủ Nhất Nguyên Dân tộc". Hoặc Đảng Cộng sản Việt Nam có thể thực hiện hòa giải theo cách sửa đổi Hiến pháp để cho phép các chính đảng được thành lập và tham gia sinh hoạt chính trị hợp pháp trong chế độ dân chủ đa đảng.[60]

Tuy nhiên, phía Nhà nước Việt Nam cho rằng chế độ đa đảng là không cần thiết ở Việt Nam do nhiều đảng cũng không đảm bảo một môi trường chính trị dân chủ hơn và lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng minh chế độ đa đảng không phù hợp với Việt Nam khi mức độ ổn định của chế độ đa đảng thấp, tạo điều kiện để cho các thế lực nước ngoài chi phối, can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, đặc biệt là xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.[61] Ngoài ra, Việt Nam có thể thực hiện dân chủ mà không cần chế độ đa đảng.[62]

Nguyễn Cao Kỳ

Phó tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Cao Kỳ nói về hòa giải vào hòa hợp dân tộc: "Thử hỏi có người dân Việt Nam yêu nước nào muốn chia rẽ đất nước không? Có ai muốn rằng người Việt giữ mãi hận thù với nhau không? Theo tôi chỉ khi nào vượt qua được suy nghĩ hẹp hòi thì chúng ta sẽ làm được. Khi ấy vị thế của Việt Nam được nâng lên tầm cao khác. Tự khắc lòng người xích lại với nhau và sẽ không còn phải mất nhiều thời gian bàn chuyện hàn gắn hay hòa giải nữa... Theo tôi, cả hai phía vẫn có thiểu số còn quá nặng về dĩ vãng, chưa có tầm nhìn về tương lai. Một người không biết nhìn về tương lai, thì họ chỉ còn sống và ôm dĩ vãng. Mà như vậy thì tư duy của họ vẫn mãi bị ám ảnh bởi những chuyện hận thù, chủ nghĩa hay phe phái. Chúng ta phải thực tế nhìn vào điều này: muốn hòa hợp thì rất không nên nói nhiều mà phải làm... Hòa hợp dân tộc sẽ tập hợp được sức mạnh. Cứ đặt lợi ích dân tộc lên trên thì chúng ta tự khắc biết phải ứng xử thế nào cho hợp lẽ. Nhưng khi đã kêu gọi thì cũng phải tạo điều kiện thoải mái cho người ta về. Lời nói và việc làm phải đi đôi với nhau... Để tìm được sự đồng thuận trong những vấn đề nhạy cảm như vậy thường không mấy dễ dàng. Tuy nhiên cứ đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu thì ta sẽ biết phải làm thế nào tốt nhất. Việt Nam bây giờ đã là một rồi. Đứng trước tương lai của đất nước, chúng ta phải sớm xóa bỏ hận thù và đoàn kết lại. Cuộc chiến tranh khốc liệt đã khiến cả triệu người ở cả hai bên chiến tuyến hy sinh, thì đó là một chuỗi oán thù chồng chất, không phải chỉ ở một phía. Chỉ có hòa hợp dân tộc mới giải quyết được vấn đề."[63]

Chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam

Đảng Cộng sản Việt Nam cho rằng về cơ bản người Việt ở nước ngoài là những người có tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, giữ gìn truyền thống văn hóa và hướng về cội nguồn, dòng tộc, gắn bó với gia đình, quê hương. Nhiều người đã có những đóng góp về tinh thần, vật chất và cả xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Tuy nhiên, người Việt Nam ở một số nước còn khó khăn trong việc ổn định cuộc sống, chưa được hưởng quy chế rõ ràng, thậm chí ở một số nơi còn bị kỳ thị. Một bộ phận đồng bào do chưa có dịp về thăm đất nước để tận mắt thấy được những thành tựu của công cuộc đổi mới hoặc do thành kiến, mặc cảm, nên chưa hiểu đúng về tình hình đất nước. Một số ít người đi ngược lại lợi ích chung của dân tộc, ra sức chống phá chính quyền Việt Nam, phá hoại mối quan hệ hợp tác giữa nước sở tại với Việt Nam.

Nhà nước Việt Nam luôn luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách rộng mở và biện pháp cụ thể nhằm tạo điều kiện ngày càng thuận lợi hơn cho đồng bào về thăm đất nước, người thân, đầu tư, kinh doanh, hợp tác khoa học - công nghệ, hoạt động văn hóa - nghệ thuật.[64]

Ngày 26/3/2004, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ra Nghị quyết 36-NQ/TW "Về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài" có nêu nhận định "Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có tiềm lực kinh tế nhất định, có mối quan hệ với nhiều doanh nghiệp, tổ chức kinh tế nước ngoài và quốc tế... Nhiều trí thức có trình độ học vấn và chuyên môn cao; một số người giữ vị trí quan trọng trong các cơ quan, cơ sở nghiên cứu, đào tạo, các công ty và tổ chức quốc tế.". Vì thế "Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài cần thể hiện đầy đủ truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc. Cơ sở của sự đoàn kết là ý thức dân tộc và lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và mục tiêu chung của mọi người Việt Nam là giữ vững nền độc lập dân tộc, thống nhất của Tổ quốc, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Xoá bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai. Mọi người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài, mong muốn góp phần thực hiện mục tiêu trên đều được tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc."[65]

Nghị quyết Đại hội Đảng XII nêu rõ: "Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh" làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia – dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước"[66]

Sự kiện của Việt Nam

Nhiều sự kiện liên quan đến chủ quyền của Việt Nam và mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã làm thay đổi cách nhìn về vấn đề hòa giải-hòa hợp của nhiều thế hệ người Việt trong và ngoài nước.

  • Năm 2007, Chính quyền Việt Nam ra Quy chế miễn thị thực cho người Việt Nam ở nước ngoài[67]
  • Trong chuyến thăm cộng đồng người Việt tại Mỹ năm 2012, Thứ trưởng Bộ ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn công khai kêu gọi đối thoại với những người được xem là vẫn chống đối Nhà nước Việt Nam. Sau đó, Chính phủ Việt Nam nhiều lần đưa người Việt ở nước ngoài đến thăm Trường Sa.[68]
  • Ngày 27/4/2014, chính phủ Việt Nam tổ chức cho đoàn kiều bào đến viếng Nghĩa trang liệt sĩ Bình Dương và Nghĩa trang nhân dân Bình An (nghĩa trang quân đội Biên Hòa thời Việt Nam Cộng hòa). Trong chuyến viếng thăm này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn chỉ vào tấm bia mộ cũ mang tên hạ sĩ Hà Hữu Lộc, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 43 rồi nói: "Bia mộ vẫn còn nguyên phiên hiệu, đơn vị…Những ngôi mộ thế này xây từ ngày xưa có ai phá đâu. Chân lý ở đâu, sự thật ở chỗ nào khi các anh cứ hô hào, kêu gọi chống cộng, nói rằng cộng sản không làm gì cho nghĩa trang. Trong khi đồng đội quý vị nằm đây, một cent quý vị cũng không đóng góp. Nếu đất nước không có đại đoàn kết thì những ngôi mộ kia có còn những tấm bia nguyên vẹn như vậy không ?"[69]
  • Hàng năm, Chính quyền trong nước thường tổ chức chương trình Xuân Quê hương, bắt đầu từ năm 2008 để kêu gọi và khuyến khích tình yêu nước trong Cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Trong Chương trình, bà con Việt kiều khi về nước sẽ được giới thiệu và tận mắt chứng kiến tình hình trong nước. Ngoài các chương trình trong đất liền, bà con Việt kiều cũng được ra thăm các đảo của Việt Nam trên biển.[70][71][72]
  • Chương trình "Trại hè dành cho thanh thiếu niên người Việt ở nước ngoài" là một chương trình giao lưu văn hóa thường niên giữa thanh thiếu niên người Việt ở nước ngoài và ở Việt Nam do Ủy ban người Việt ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao chủ trì tổ chức Chương trình này cùng với sự phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương khác nhau. Mục đích của chương trình là tạo kết nối giữa thanh thiếu niên người Việt ở nước ngoài với quê hương Việt Nam. Một trong các hoạt động quan trọng là giao lưu văn hóa, tìm hiểu lịch sử, con người của quê hương Việt Nam.[73][74][75] Trại hè là dịp để thanh thiếu niên Việt kiều gặp gỡ lẫn nhau và gặp gỡ thanh thiếu niên trong nước, giao lưu bằng tiếng Việt, tìm hiểu lịch sử, văn hoá, phong tục tập quán Quê cha đất Tổ, qua đó nâng cao hiểu biết về đất nước, con người và thế hệ trẻ Việt Nam, trau dồi tình cảm quê hương, khơi gợi những hoạt động hướng về đất nước.[76] Đây là một trong những cách mà chính quyền Việt Nam giúp giới trẻ người Việt ở nước ngoài có thêm hiểu biết về cội nguồn của dân tộc Việt Nam, từ đó thúc đẩy quá trình hòa hợp và hòa giải dân tộc.

Chương trình "Trại hè dành cho thanh thiếu niên người Việt ở nước ngoài"

Chương trình "Trại hè dành cho thanh thiếu niên người Việt ở nước ngoài" là một chương trình giao lưu văn hóa thường niên giữa thanh thiếu niên người Việt ở nước ngoài và Tổ quốc Việt Nam. Tính đến năm 2017, Chương trình đã tổ chức được 12 lần.[77] Ủy ban người Việt ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao là đơn vị chủ trì tổ chức Chương trình này cùng với sự phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương khác nhau. Mục đích của chương trình là tạo kết nối giữa thanh thiếu niên người Việt ở nước ngoài với quê hương Việt Nam. Một trong các hoạt động quan trọng là giao lưu văn hóa, tìm hiểu lịch sử, con người của quê hương Việt Nam.[78][79][80] Trại hè là dịp để thanh thiếu niên Việt kiều gặp gỡ lẫn nhau và gặp gỡ thanh thiếu niên trong nước, giao lưu bằng tiếng Việt, tìm hiểu lịch sử, văn hoá, phong tục tập quán Quê cha đất Tổ, qua đó nâng cao hiểu biết về đất nước, con người và thế hệ trẻ Việt Nam, trau dồi tình cảm quê hương, khơi gợi những hoạt động hướng về đất nước.[81]

  • 2004: Thăm Hạ Long
  • 2005: Đền Hùng, Hạ Long, Cố đô Huế, Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, địa đạo Củ Chi TPHCM[82]
  • 2007: Hà Nội, Phú Thọ, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh[83][84]
  • 2008: Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ[85]
  • 2009: Với chủ đề "Miền Đông đất đỏ" tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu[86]
  • 2010: Với chủ đề: "Tìm về cội nguồn" tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Cần Thơ, Đà Nẵng, Bến Tre[87][88][89]
  • 2011: tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Thuận[90][91]
  • 2012: Với chủ đề: "Tự hào hai tiếng Việt Nam" tại Hà Nội, Ngã Ba Đồng Lộc, Nghệ An, Côn Đảo[92][93]
  • 2013: Với chủ đề "10 năm tiếng gọi cội nguồn" tại Hà Nội, Phú Thọ, Hà Giang, Thanh Hóa, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, TP Hồ Chí Minh và Cà Mau… trong đó có hoạt động dâng hương tại Đền Hùng, Thắp nến tri ân tại nghĩa trang Vị Xuyên (Hà Giang), Dự Lễ tưởng niệm anh linh các anh hùng, liệt sỹ; Tham quan cột mốc biên giới tại cửa khẩu Thanh Thủy (Hà Giang), Tham quan Bảo tàng Tỉnh Hà Giang, Tham quan Khu di tích Hồ Chí Minh (Lăng Bác, Chùa Một Cột); thăm Văn Miếu-Quốc Tử Giám, giao lưu với thanh niên Thanh Hóa tại Sầm Sơn: đốt lửa trại, văn nghệ... Dâng hương Đền thờ Quang Trung, tham quan Bảo tàng Quang Trung (Quy Nhơn)…[94]
  • 2014:
  • 2015:
  • 2016: Với chủ đề "Tuổi trẻ kiều bào với di sản văn hóa dân tộc"
  • 2017: Với chủ đề: "Tuổi trẻ kiều bào tự hào về đất phương Nam" tại TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau.[95]
  • 2018: Với chủ đề: "15 năm nối vòng tay lớn" tại 11 địa phương ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam với sự tham gia của 120 đại biểu, tuổi từ 16-24 (62 nam, 58 nữ) về từ 29 quốc gia thuộc 4 châu lục (châu Á: 11; châu Âu: 16; châu Mỹ: 2, châu Phi: 1). Cụ thể là kiều bào ở các nước: Algierie, Anh, Áo, Ấn Độ, Ba Lan, Bỉ, Bungary, Kazakhstan, Campuchia, Canada, Qatar, Đức, Hungary, Indonesia, Lào, Litva, Malaysia, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Phần Lan, Romania, Czech, Slovakia, Tây Ban Nha, Thái Lan, Trung Quốc, Ukraina, Italy.[96][97]

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam, Nguyễn Phú Bình: "Với các hoạt động phong phú, bổ ích như tham quan di tích lịch sử, du lịch, thăm các làng nghề truyền thống, các cơ sở kinh tế, nhà máy, xí nghiệp hiện đại và giao lưu với thanh niên địa phương các tỉnh Phú Thọ, Hải Dương, Quảng Ninh, Huế, Đà Nẵng, Khánh Hoà, Bình Thuận, thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Tiền Giang…, các bạn trẻ thanh niên Việt Nam ở nước ngoài có dịp thăm lại quê cha, đất Tổ, tận mắt chứng kiến được những thay đổi to lớn về mọi mặt của đất nước... Đặc biệt đây cũng là dịp tốt để thế hệ trẻ thanh thiếu niên ở trong và ngoài nước gặp gỡ, giao lưu với nhau".[98]

Mối quan hệ giữa Việt Nam - Hoa Kỳ

Bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ có ảnh hưởng lớn đến việc biến hòa giải hòa hợp dân tộc thành hiện thực vì Hoa Kỳ là bên tham chiến, góp phần tạo sự rạn nứt trong xã hội Việt Nam.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Hòa giải và hòa hợp dân tộc ở Việt Nam http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2011/04/buoi-phat-t... http://quochoi.org/tren-con-duong-hoa-giai-dan-toc... http://www.bbc.co.uk/vietnamese/av/2009/03/090301_... http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2014/02/1402... http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2011/03/11... http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2007... http://baodatviet.vn/van-hoa/nguoi-viet/khai-mac-t... http://baoquocte.vn/hiep-dinh-paris-qua-tai-lieu-c... http://baoquocte.vn/khoi-dong-trai-he-viet-nam-201... http://baoninhthuan.com.vn/diendan/61402p1c155/dau...